Khoản 1, Điều 476 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 quy định: “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Dự thảo BLDS sửa đổi tại Khoản 3, Điều 491 quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% lãi suất cơ bản do NHNN công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
Việc áp trần lãi suất vay gây khó khăn và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD), theo đó hàng loạt hợp đồng cho vay của các TCTD có thể bị vô hiệu do vượt trần lãi suất vay theo quy định. Việc áp dụng trần lãi suất đối với hoạt động kinh doanh của các TCTD là không cần thiết và không hợp lý.
Việc áp trần lãi suất vay trong hoạt động tín dụng đang trở nên không hiệu quả
Thứ nhất, NHNN với chức năng là cơ quan quản lý đối với các TCTD, thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ có thể điều chỉnh mức lãi suất kinh doanh của các TCTD. Lãi suất của các TCTD phụ thuộc vào mục tiêu nới lỏng hay thắt chặt chính sách tiền tệ của NHNN, có những thời điểm lãi suất của các TCTD được nâng lên rất cao để góp phần chống lạm phát. Nói cách khác, lãi suất trong hoạt động ngân hàng được điều chỉnh bởi các công cụ chính sách tiền tệ, có một cơ quan chuyên ngành là NHNN quản lý theo các quy định của luật chuyên ngành là Luật NHNN và Luật Các TCTD.
Thứ hai, lãi suất kinh doanh của các TCTD chịu sự tác động của hoạt động cạnh tranh trên thị trường tín dụng NH và sự cạnh tranh này đủ lớn để không có TCTD nào tự ấn định mức lãi suất vay quá cao so với mặt bằng chung lãi suất NH. Do vậy, việc khống chế mức trần lãi suất cho vay đối với hoạt động NH trong điều kiện bình thường là không cần thiết.
Thứ ba, với tư cách là trung gian tài chính nhận tiền gửi từ công chúng và sử dụng tiền gửi này để cấp tín dụng, mức lãi suất cho vay của các TCTD được xác định trên cơ sở lãi suất tiền gửi, chi phí huy động vốn, chi phí cho vay, thời hạn vay, uy tín của khách hàng, mức độ rủi ro của từng khoản vay… Do đó, TCTD thường xác định mức lãi suất cho vay khác nhau đối với từng loại khách hàng và từng loại khoản vay khác nhau. Việc áp cùng một mức trần lãi suất cho vay là hoàn toàn không hợp lý.
Thứ tư, quy định trần lãi suất vay dẫn đến việc các tổ chức cho vay nâng mức lãi suất cao hơn đối với những khoản vay vốn có rủi ro thấp đang thực hiện lãi suất thấp để bù đắp chi phí đối với những khoản vay có rủi ro cao nhưng không thể đặt mức lãi suất cao do vướng mức lãi suất trần. Điều này dẫn đến không phân loại được rủi ro, đánh đồng các mức lãi suất giữa các khoản vay và làm chi phí vay trung bình cao hơn.
Thứ năm, việc áp dụng trần lãi suất vay tại Bộ luật Dân sự với hoạt động ngân hàng có thể hiểu là một sự can thiệp lãi suất trong hoạt động kinh doanh ngân hàng bằng biện pháp hành chính. Sự can thiệp hành chính này trái với những nguyên tắc thị trường và không phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế của Việt Nam về cải cách hệ thống ngân hàng khi gia nhập WTO.
Do đó, cần có những thay đổi trong việc áp dụng trần lãi suất vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, để hoạt động ngân hàng đạt được hiệu quả tốt hơn.
Theo TheBank