Tên ngân hàng hợp nhất PVFC-WesternBank sẽ là Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam với tên viết tắt là Pvcombank và tên giao dịch là Vietnam Public bank.
Ngân hàng hợp nhất PVFC-Westernbank sẽ lấy trụ sở hiện tại của PVFC làm trụ sở chính.
Ngày 8/9 tới đây, ĐHCĐ thành lập ngân hàng hợp nhất PVFC-WesternBank được tiến hành. ĐHCĐ sẽ diễn ra tại trụ sở hiện tại của PVFC.
Ngân hàng hợp nhất “đậm nét” PVFC
Theo bản điều lệ đính kèm tài liệu họp ĐHCĐ, tên ngân hàng hợp nhất PVFC-WesternBank sẽ là Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam với tên viết tắt là Pvcombank và tên giao dịch là Vietnam Public bank.
Ngân hàng hợp nhất ra đời đồng nghĩa cái tên PVFC và WesternBank cùng “biến mất” nhưng dường như Pvcombank mang nhiều hình ảnh của PVFC hơn khi trụ sở của ngân hàng mới thành lập sẽ là địa chỉ trụ sở hiện tại của PVFC và ngay cả số điện thoại, số fax đều là số mà PVFC hiện đang sử dụng.
Ngân hàng mới thành lập sẽ tiến hành các hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực sau: Huy động vốn; Cấp tín dụng; Kinh doanh và cung ứng các dịch vụ ngân hàng, các sản phẩm phái sinh; Các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
Vốn điều lệ của Pvcombank là 9.000 tỷ đồng. Ngân hàng đảm bảo mức vốn điều lệ thực có không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật.
Tổng cộng mạng lưới Pvcombank bao gồm 102 điểm giao dịch trong đó có 1 hội sở, 30 chi nhánh, 67 phòng giao dịch và 4 quỹ TK.
Ngân hàng hợp nhất sẽ có 7 thành viên HĐQT trong đó có 6 thành viên chuyên trách và 1 thành viên độc lập. Ban kiểm soát có 5 người trong đó 4 người chuyên trách và 1 thành viên BKS kiêm nhiệm.
Năm 2013, 2014 sẽ giữ nguyên vốn điều lệ
Mức vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng sẽ được Pvcombank duy trì trong 2 năm 2013, 2014 và sẽ tiếp tục nâng lên 12.000 tỷ đồng trong năm 2015.
Các chỉ tiêu tài chính của Pvcombank cũng tăng khá mạnh trong các năm. Từ mức 96 tỷ đồng LNST năm 2012 dự kiến ngân hàng sẽ đạt lãi 1.235 tỷ đồng năm 2015.
Tăng trưởng tín dụng giả định ở mức tối đa 9% qua các năm
Trong bản định hướng hoạt động tín dụng trong thời gian tới, PVCombank cần nâng tỷ trọng tín dụng cá nhân bởi dư nợ tín dụng các tổ chức kinh tế hiện vẫn chiếm ưu thế trong tổng dư nợ tín dụng của PVFC. Khi thành lập ngân hàng hợp nhất, ngân hàng sẽ tận dụng lợi thế bán lẻ của WTB để phát triển mảng khách hàng cá nhân.
Dự kiến, đến cuối năm 2013, tỷ lệ dư nợ TCKT và cá nhân là 90% và10%; cuối 2014 là 85% và 15% đến cuối năm 2015 là 80% và 20%.
Kế hoạch xử lý nợ xấu sau hợp nhất: có tính đến phương án bán nợ xấu cho VAMC
Tại thời điểm kết thúc năm 2012, nợ xấu nhóm 3-5 của ngân hàng hợp nhất là 4,76% và nợ nhóm 2 là 6,6%.
Trong thời gian sắp tới, ngân hàng hợp nhất cũng tính đến nhiều phương án xử lý nợ xấu như: cơ cấu khoản vay đối với khách hàng có phương án kinh doanh khả thi; tái cấp hạn mức và phát triển dư nợ với khác hàng kinh doanh tốt; cấn trừ nợ, khởi kiện, xử lý TSĐB để thu hồi nợ. Ngoài ra, ngân hàng cũng nghiên cứu khả năng xử lý nợ xấu thông qua bán nợ cho VAMC, bán nợ cho TCTD hoặc tổ chức, cá nhân khác…
Việc xem xét tăng tổng dư nợ thông qua phát triển tín dụng phù hợp được ngân hàng hợp nhất coi như là định hướng cơ bản để giảm nợ xấu giai đoạn 2014-2015.