Hiện nay, nhu cầu vay tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình ở nước ta là rất lớn . Tuy nhiên, việc lãi suất mà các công ty tài chính đưa ra ở mức cao, khiến khách hàng vay vốn tỏ ra khá e ngại và dè dặt.
Vì sao lãi suất vay tiêu dùng tại công ty tài chính lại ở mức cao
Vay tiêu dùng là hình thức vay không cần thế chấp tài sản hay đem cầm cố bất kỳ tài sản gì. Đây thường là các khoản vay mang tính phục vụ cho những nhu cầu tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình như mua hàng hóa, dịch vụ.
Các Công ty tài chính(CTTC) luôn có lợi thế trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng với nhiều hình thức như cho vay mua xe, cho vay mua thiết bị gia đình, vay theo lương, theo hóa đơn tiền điện… Nhưng mức lãi suất được đưa ra bởi các công ty này thường rất cao. Vì sao lại xảy ra vấn đề này?
- Thứ nhất là do chi phí bù đắp rủi ro của khoản vay. Vay tiêu dùng tín chấp là nghiệp vụ cho vay dựa trên uy tín của cá nhân được đánh giá bởi tổ chức tín dụng cho vay đối với một khách hàng mà không cần phải đảm bảo tài sản, điều này có nghĩa là rủi ro mà CTTC phải chịu sẽ cao. Vì thế lãi suất cho vay của các tổ chức này sẽ cao hơn nhằm bù đắp chi phí rủi ro đó.
- Thứ hai là chi phí đầu vào nguồn vốn cho vay tiêu dùng của CTTC cao do nguồn vốn của các tổ chức này không được huy động trực tiếp từ dân cư mà là vốn chủ thể hay vốn vay trung và dài hạn của các đơn vị chủ thể khác. Đi kèm là những chi phí khác như bảo hiểm, chuyển khoản ngân hàng…Những khoản vay này đương nhiên có lãi suất kèm theo và một phần gánh nặng lãi suất đó sẽ chuyển sang khách hàng vay vốn.
- Thứ ba là do giá trị của khoản vay tiêu dùng tín chấp thường nhỏ và kỳ hạn vay ngắn dẫn đến phát sinh một số chi phí như chi phí thẩm định, chi phí quản lý khoản vay, chi phí đòi nợ,… vì thế chi phí phục vụ trung bình trên một đơn vị vốn vay sẽ cao hơn bình thường. Những chi phí này một phần được tính vào lãi suất cho vay.
- Thứ tư là “cung và cầu”. Các sản phẩm cho vay tiêu dùng với đặc thù là số tiền nhỏ, không có tài sản đảm bảo, thời gian giải ngân nhanh, chủ yếu được cung cấp bởi các CTTC, trong khi nhiều ngân hàng (trừ một vài ngân hàng thời gian qua mua lại CTTC) lại chưa ưu tiên phân khúc này. Việc sản phẩm ít mà nhu cầu vay tiêu dùng lại quá lớn dẫn đến lãi suất sẽ bị đẩy lên cao do thị phần của mảng này đang nằm chủ yếu trong tay các CTTC có uy tín như FE Credit, Prudiential Finance, Home Credit…
Xem thêm:
- So sánh lãi suất vay tiêu dùng các công ty tài chính hàng đầu hiện nay
- Xu hướng phát triển vay tiêu dùng trong tương lai
Lãi suất cao nhưng lợi ích mang lại không hề nhỏ
Mặc dù thời gian gần đây quy định vay vốn của các ngân hàng đã thông thoáng hơn song trên thực tế, hoạt động cho vay tiêu dùng tại đây vẫn chưa thật sự nổi trội. Bên cạnh yêu cầu về tài sản đảm bảo thì khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại khách hàng vẫn phải chứng minh thu nhập, cần tài sản đảm bảo và hồ sơ phải chờ thẩm định khá kỹ càng. Hơn nữa, các khoản vay tại ngân hàng thương mại thường có giá trị cao (hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng) chủ yếu nhắm tới khách hàng vay mua nhà cửa, vay mua xe ô tô, vay đi du học…
Trong khi đó, tại các CTTC, hoạt động cho vay tiêu dùng lại tạo điều kiện dễ dàng hơn cho khách hàng với nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng đáp ứng các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của khách hàng như: vay mua điện thoại, máy tính, xe máy, chi tiêu cá nhân…với những khoản vay thấp từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Ngoài việc mang lại nhiều cơ hội hơn cho các cá nhân có nhu cầu tiêu dùng khi khả năng tài chính là chưa đủ để trang trải nhu cầu. Thì sự phát triển của các công ty tài chính trong cho vay tiêu dùng cũng đáp ứng được nhu cầu thực tế của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng dưới chuẩn từ trước tới nay không thể tiếp xúc được các gói vay của ngân hàng thương mại do không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn. Điều này mang đến những tác động tích cực cho xã hội thông qua việc nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt đối với những người có thu nhập còn thấp, không có lịch sử tín dụng. Hơn nữa, khoản vay tiêu dùng cũng góp phần không nhỏ trong việc kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.