Hiểu về thời hạn vay
Khái niệm thời hạn vay được đề cập trong Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng như sau:
“Thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ ngày tiếp theo của ngày tổ chức tín dụng giải ngân vốn vay cho khách hàng cho đến thời điểm khách hàng phải trả hết nợ gốc và lãi tiền vay theo thỏa thuận của tổ chức tín dụng và khách hàng. Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn cho vay là ngày lễ hoặc ngày nghỉ hàng tuần, thì chuyển sang ngày làm việc tiếp theo. Đối với thời hạn cho vay không đủ một ngày thì thực hiện theo quy định tại Bộ luật dân sự về thời điểm bắt đầu thời hạn“.
Như vậy có thể hiểu đơn giản rằng thời hạn vay là khoảng thời gian tính từ khi khách hàng được tổ chức tín dụng cho vay giải ngân tiền tới ngày đến hạn phải trả cả gốc lẫn lãi cho tổ chức tín dụng được thỏa thuận trong hợp đồng vay vốn.
Cách phân loại thời hạn vay
Theo Điều 10 Thông tư 39/2016/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về cách phân loại thời hạn vay thành vay ngắn hạn, vay trung hạn, vay dài hạn cụ thể như sau:
“Cho vay ngắn hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay tối đa 01 (một) năm.
Cho vay trung hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 01 (một) năm và tối đa 05 (năm) năm.
Cho vay dài hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 05 (năm) năm.”
Các ngân hàng và tổ chức tín dụng cung cấp sản phẩm vay vốn sẽ căn cứ theo cách phân loại thời hạn vay này để đưa ra thời hạn vay cụ thể của từng sản phẩm vay vốn đang triển khai cho khách hàng.
Hiện nay thời hạn vay ngắn hạn thường áp dụng cho các sản phẩm vay tín chấp tiêu dùng, vay trung hạn thường áp dụng cho các sản phẩm vay mua xe, vay kinh doanh. Còn vay dài hạn thường áp dụng cho vay mua nhà, vay mua bất động sản.