Cho vay kinh doanh xuất nhập khẩu những điều bạn chưa biết

Cho vay kinh doanh xuất nhập khẩu là việc các ngân hàng cung cấp các khoản vay khác theo nhiều mức thời gian (ngắn, trung, dài hạn) để giúp các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề xuất nhập khẩu (như việc xuất/nhập các nguyên liệu, vật tư, hàng hoá, máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất cần thiết) để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Cho vay kinh doanh xuất nhập khẩu

Một số quy định cho vay kinh doanh xuất nhập khẩu

Khi vay kinh doanh xuất, nhập khẩu bạn cần để ý đến một số quy định cụ thể:

Các hình thức cho vay xuất, nhập khẩu

Thứ nhất, cho vay kinh doanh xuất nhập khẩu theo đúng L/C (Letter of credit – thư cam kết), hợp đồng ngoại thương và đơn hàng đã ký kết.

LC – thư tín dụng là thư do ngân hàng phát hành, theo yêu cầu của bên mua hàng (bên nhập khẩu). Theo đó, LC cam kết với bên bán (đơn vị xuất khẩu) về việc thanh toán số tiền nhất định cho hàng hóa, trong một khoảng thời gian thống nhất. Nếu bên bán xuất trình trước ngân hàng được bộ chứng từ hồ sơ hợp lệ theo quy định thỏa thuận trong LC thì ngân hàng sẽ thanh toán cho bên bán khoản tiền này.

Trước khi quyết định giải ngân, ngân hàng sẽ yêu cầu đơn vị mở LC phải chứng minh nguồn vốn có sẵn, đi kèm với vay vốn ngân hàng để đảm bảo an toàn cho khoản vay.

Điều kiện để được mở L/C tại ngân hàng:

  • Có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu, đối với các đơn vị nhập uỷ thác phải có hợp đồng uỷ thác nhập khẩu.
  • Đơn vị có tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính ổn định và có tín nhiệm trong quan hệ tín dụng.
  • Đơn vị phải xuất trình giấy phép nhập khẩu do bộ thương mại cấp đối với những mặt hàng nằm trong danh mục quản lý hàng nhập của nhà nước.
  • Phải cam kết bằng tài sản thế chấp, hoặc khoản vay được một tổ chức đáng tin cậy bảo lãnh thanh toán để ngân hàng tin tưởng có khả năng được thanh toán.
  • Đối với L/C trả chậm, dư nợ bảo lãnh phải nằm trong hạn mức vay vốn nước ngoài được ngân hàng nhà nước duyệt.
  • Trên cơ sở các điều kiện trên, ngân hàng sẽ quyết định mức ký quỹ L/C.

Hiện nay có nhiều loại bảo lãnh các ngân hàng sẽ cho vay. Những hình thức này được thực hiện với các dạng sau:

  • Phát hành thư bảo lãnh.
  • Ký bảo lãnh trên hối phiếu nợ nước ngoài.
  • Ký xác nhận bảo lãnh ngay trên giấy nhận nợ.
  • Mở L/C trả chậm để bảo lãnh.
  • Vay vốn kinh doanh xuất nhập khẩu đúng với L/C.

Thứ hai, cho vay vốn kinh doanh xuất nhập khẩu bằng cách tài trợ vốn thanh toán hàng xuất nhập khẩu.

Các ngân hàng thường tiến hành chiết khấu chứng từ hàng sản xuất, mà theo đó ngân hàng sẽ có quyền đòi lại tiền sau khi thanh toán cho bên bán (nhà xuất khẩu) nếu bộ chứng từ không được bên mua (nhà nhập khẩu) thanh toán.

Thứ ba, cho vay vốn kinh doanh xuất nhập khẩu bằng cách ứng trước tiền thanh toán tiền hàng xuất khẩu.

Ngân hàng sẽ cho bên bán (nhà xuất khẩu) vay một khoản khi bên xuất khẩu chưa thu được tiền hàng từ bên nhập khẩu. Khoản vay này sẽ dựa vào lượng tiền mà bên xuất khẩu dự định sẽ thu về từ phía đối tác. Con số được thể hiện trên hợp đồng xuất khẩu và các chứng từ khác, theo hai phương thức như:

  • Ngân hàng cho vay trên phương thức nhờ thu kèm chứng từ: Ngân hàng bên mua tiếp nhận bộ hồ sơ với các chứng từ trong đó có “hối phiếu đòi tiền” từ phía ngân hàng bên bán. Nếu nhà nhập khẩu không có đủ khả năng thanh toán thì ngân hàng sẽ quyết định cho bên nhập khẩu vay một khoản để thanh toán cho tiền hàng nhập khẩu.
  • Cho vay trên cơ sở hối phiếu: Khi bên bán không tin tưởng khả năng thanh toán của bên mua thì tín dụng chấp nhận hối phiếu sẽ được áp dụng. Theo đó, bên bán có thể đề nghị bên mua yêu cầu một ngân hàng đại diện cho bên mua đứng ra chấp nhận trả tiền hối phiếu do bên bán ký phát. Nếu ngân hàng đại diện cho bên mua đồng ý thì ngân hàng này đã chấp nhận một khoản tín dụng cho nhà nhập khẩu – bên mua để họ thanh toán cho bên bán khi hối phiếu đến hạn.

Quy định về loại hình cho vay xuất nhập khẩu

Thứ tư, cho vay vốn kinh doanh xuất nhập khẩu căn cứ theo thời hạn cho vay.

  • Cho vay ngắn hạn (thường dưới 1 năm).
  • Cho vay trung và dài hạn (Từ 1-5 năm).

Thứ năm, cho vay vốn kinh doanh xuất nhập khẩu căn cứ vào mức độ tín nhiệm đối với khách hàng.

  • Cho vay đảm bảo bằng tài sản cầm cố, thế chấp, khoản bảo lãnh của người thứ 3 đối với khoản vay.
  • Cho vay không đảm bảo theo uy tín, quy mô, hiệu quả kinh doanh, phương án trả nợ.

Đối tượng cho vay

Nhà xuất khẩu có hợp đồng xuất khẩu và nhà nhập khẩu có hợp đồng nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng vay vốn tín dụng xuất khẩu:

  • Nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản: Lạc nhân, cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều đã qua chế biến, rau quả (hộp, tươi, khô, sơ chế, nước quả), đường, thuỷ sản, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, quế và tinh dầu quế.
  • Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ: Hàng mây, tre đan và sản phẩm đan lát, tết bện thủ công bằng các loại nguyên liệu khác, hàng thêu, ren, hàng gốm, sứ mỹ nghệ, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm tơ tằm và sản phẩm lụa sản xuất từ tơ tằm, sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu.
  • Nhóm sản phẩm công nghiệp: Cấu kiện thiết bị toàn bộ và thiết bị toàn bộ; động cơ điện, động cơ điezel, máy biến thế điện các loại, sản phẩm nhựa phục vụ công nghiệp và xây dựng, sản phẩm dây điện, cáp điện sản xuất trong nước, tàu biển, cáp điện, bóng đèn.
  • Máy tính nguyên chiếc, phụ kiện máy tính và phần mềm tin học.

Mức vốn cho vay

  • Mức cho vay tối đa bằng 85% giá trị hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu đã ký hoặc giá trị L/C đối với cho vay trước khi giao hàng hoặc trị giá hối phiếu hợp lệ đối với cho vay sau khi giao hàng.
  • Mức vốn cho vay đối với từng trường hợp do Ngân hàng phát triển Việt Nam quyết định.

Thời hạn cho vay

  • Thời hạn cho vay xác định theo khả năng thu hồi vốn phù hợp với đặc điểm của từng hợp đồng xuất khẩu và khả năng trả nợ của nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu nhưng không quá 12 tháng.
  • Trường hợp cần thiết, thời hạn cho vay trên 12 tháng thì nhà xuất khẩu mới đủ điều kiện thực hiện hợp đồng xuất khẩu, ngân hàng phát triển Việt Nam đề nghị bộ tài chính xem xét, quyết định.

Đồng tiền và lãi suất cho vay

Đồng tiền cho vay là đồng Việt Nam (VND). Việc cho vay bằng ngoại tệ được thực hiện bằng đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi đối với hợp đồng xuất khẩu có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu mà nhà xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ.

Lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu bằng đồng Việt Nam và bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, giao Bộ tài chính quyết định theo nguyên tắc phù hợp với lãi suất thị trường. Lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn theo hợp đồng tín dụng.

Bộ trưởng Bộ tài chính công bố lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu để Ngân hàng phát triển Việt Nam thực hiện. Số lần công bố lãi suất hàng năm tối đa là 2 lần. (Lần công bố gần nhất tại QĐ số 08/2007/QĐ-BTC ngày 02/03/2007 quy định: Lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu bằng VND là 9%/năm, bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi là 6,9%/năm, áp dụng cho các hợp đồng tín dụng ký từ ngày 16/01/2007).

Những quy định cho vay kinh doanh xuất nhập khẩu

Các ngân hàng cho vay kinh doanh xuất nhập khẩu

Hiện nay có 1 số ngân hàng cho vay xuất nhập khẩu như sau:

Tên ngân hàng Lãi suất Thời gian vay

Saigonbank

Theo lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng nhập khẩu Phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của phương án sản xuất kinh doanh/dự án đầu tư, khả năng trả nợ của khách hàng và thời hạn hoạt động còn lại của doanh nghiệp

VPBank

9%/năm 2 năm

DongA Bank

9%/năm Tối đa 12 tháng

NCB

6,5%/năm Tối đa 6 tháng

ABBank

7,79%/năm 1 năm

LienVietPostBank

6,5%/năm 12 tháng

Điều kiện thủ tục xuất nhập khẩu

Điều kiện

  • Nhà xuất khẩu phải thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay tại nghị định 151/2006/NĐ-CP; phải mua bảo hiểm tài sản tại một công ty bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản hình thành từ vốn vay thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc trong suốt thời hạn vay vốn.
  • Thuộc đối tượng được quy định theo nhóm bao gồm: Nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, nhóm sản phẩm công nghiệp, máy tính nguyên chiếc, phụ kiện máy tính và phần mềm tin học.
  • Nhà xuất khẩu đã ký kết hợp đồng xuất khẩu. Nhà nhập khẩu có hợp đồng nhập khẩu đã ký kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế Việt Nam.
  • Phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả được ngân hàng phát triển Việt Nam thẩm định và chấp thuận cho vay.
  • Nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
  • Nhà nhập khẩu phải được chính phủ hoặc Ngân hàng trung ương của bên nhà nhập khẩu bảo lãnh vay vốn.

Thủ tục

Bên đi vay sẽ cần hoàn thiện các chứng từ hồ sơ theo yêu cầu của tùy từng ngân hàng. Tuy nhiên, những giấy tờ cần thiết nhất sẽ bao gồm:

  • Phương án sử dụng vốn.
  • Hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp.
  • Hồ sơ tài sản bảo đảm.
  • Các giấy tờ khác có liên quan theo quy định của ngân hàng.

Trên đây là những thông tin cho vay kinh doanh xuất nhập khẩu bạn cần nắm rõ. Hy vọng bài viết sẽ đem lại thông tin hữu ích cho bạn đọc.

Đánh giá bài viết
Cho vay kinh doanh xuất nhập khẩu những điều bạn chưa biết
5 (100%) 1 vote

Gửi yêu cầu tư vấn