Gửi tiền tiết kiệm có an toàn không? 4 rủi ro thường gặp nhất khi gửi tiết kiệm

Gửi tiết kiệm có thật sự an toàn?

Hầu hết mọi người khi có được số tiền trong tay sẽ tính đến việc làm sao để giữ và bảo quản số tiền này thật tốt. Nếu nó có thể sinh thêm lời lãi nữa thì lại càng tốt hơn. Vậy nên, gửi tiết kiệm là giải pháp mà nhiều người tính đến để bảo vệ số tiền của mình. Nhưng cũng nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu gửi tiết kiệm có an toàn không?

Trước tiên, tất cả các ngân hàng đều phải chịu sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước cùng Luật pháp của nước Việt Nam. Vì vậy, ngân hàng sẽ là nơi an toàn để bạn gửi gắm số tiền tích lũy của mình. Các giao dịch của ngân hàng sẽ được lưu lại trên hệ thống, khách hàng có thể dễ dàng yêu cầu được kiểm tra lại nếu có vấn đề.

Thứ hai, việc gửi tiền tiết kiệm và rút tiền tiết kiệm phải do chính người gửi thực hiện. Nếu trường hợp có người đại diện nhận thay thì phải có giấy ủy quyền và xác nhận người đại diện.

Hiện nay, các văn bản pháp lý về vấn đề tiền gửi bao gồm Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định 1160/2014 của Ngân hàng Nhà nước (gọi tắt là Quy chế), Quyết định số 47/2006 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định 1160/2014.

Trong đó, quy định rõ: Đối với khách hàng lần đầu tiên thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm, khách hàng cần đến trực tiếp thực hiện giao dịch theo quy chế tiền gửi tiết kiệm và xuất trình giấy bắt buộc: giấy xác nhận thông tin cá nhân của chủ tài khoản hoặc của người đại diện (trường hợp cá nhân gửi tiền thông qua người đại diện).

Nếu gửi tiền tiết kiệm chung thì phải xuất giấy chứng minh thông tin các cá nhân đứng tên trên thẻ tiết kiệm và văn bản thỏa thuận quyền và nghĩa vụ của cá nhân cùng đứng tên chung.

Khi khách hàng có nhu cầu rút tiền, ngân hàng phải bảo đảm hồ sơ rút tiền có ít nhất 4 yếu tố hợp lý, hợp lệ: chủ thẻ tiết kiệm, chữ ký của chủ thẻ, thẻ tiết kiệm và giấy tờ tùy thân của người rút tiền, đặc biệt là với các khoản tiền lớn hàng tỷ đồng trở lên.

Trường hợp khách hàng muốn ủy quyền rút tiền gửi tiết kiệm, điều 16 Quy chế cũng quy định rõ: “Tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm quy định các yếu tố cần thiết của giấy ủy quyền để đảm bảo lợi ích của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoặc đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm và phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan. Sau khi kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của giấy ủy quyền, tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm căn cứ vào nội dung ủy quyền để thực hiện việc chi trả tiền gửi tiết kiệm”.

Như vậy có thể thấy, việc gửi tiết kiệm tại ngân hàng luôn có tính đảm bảo an toàn cao, khách hàng có thể an tâm gửi gắm số tiền của mình tại ngân hàng. Nên lựa chọn các ngân hàng có uy tín để gửi gắm.

Tuy nhiên, các giải pháp đầu tư tài chính dù an toàn đến đâu vẫn luôn tiềm ẩn rủi ro khó lường. Vậy những rủi ro đó là gì? Vì sao lại có những rủi ro như vậy luôn tồn tại?

Những rủi ro thường gặp khi gửi tiết kiệm

1/ Mất tiền do cán bộ ngân hàng

Rủi ro lớn nhất khi gửi tiền tiết kiệm có lẽ là việc bị mất tiền trong sổ/tài khoản do gian lận, dối trá của cán bộ ngân hàng.

Chắc chắn nhiều người còn nhớ vào tháng 9/2017, dư luận cả nước chấn động về vụ hơn 20 khách hàng của ngân hàng OceanBank chi nhánh Hải Phòng tá hỏa vì 400 tỷ gửi trong sổ tiết kiệm bỗng bị bốc hơi không lý do. Vụ việc qua điều tra đã xác định vi phạm là do chính cán bộ ngân hàng bao gồm Giám đốc Chi nhánh, Kiểm soát viên và cán bộ ngân hàng (theo tin baomoi.com)

Như vậy, khi gửi tiền tại ngân hàng, việc mà khách hàng cần lưu ý là kiểm tra thường xuyên sổ tiết kiệm; sau khi gửi tiền cần xem xét kỹ lưỡng lại một lần nữa sổ tiết kiệm xem đã đúng số tiền mình gửi chưa, giữ các giấy tờ, chứng từ quan trọng để làm bằng chứng nếu có vấn đề xảy ra. Ngoài ra, nếu có thắc mắc hoặc chưa rõ ràng về vấn đề gì, khách hàng phải lập tức hỏi lại ngay và yêu cầu được giải đáp chi tiết.

2/ Mất tiền vì không gửi tiền trực tiếp tại ngân hàng

Rất nhiều vụ mất tiền gửi tiết kiệm là do các khách hàng tin tưởng vào những mối quan hệ họ hàng, thân quen mà đưa tiền cho những người này để nhờ họ mở sổ tiết kiệm. Sau một thời gian cùng những lời hứa tự dưng mất tích mà họ chẳng biết phải kêu ai.

Thông thường, các khách hàng rất hay cả nể, tin tưởng người quen biết để gửi gắm. Hoặc tin vào những người xưng là cán bộ ngân hàng, có thể gửi tiền để hưởng lãi suất cao hơn, nhiều người đã vội “giao trứng cho ác”.

Ngoài ra còn có trường hợp, khách hàng giao dịch ở ngân hàng quá nhiều hoặc khách hàng VIP, khách hàng thân thiết nên quen cán bộ ngân hàng. Khi muốn lập sổ, họ gọi những người này tới nhà riêng hoặc địa điểm không phải ngân hàng để làm thủ tục và không ngờ bị mất trắng vì số tiền quá hấp dẫn.

Trên thực tế, giờ làm việc của Ngân hàng thường trùng với giờ làm việc của khách hàng nên nhiều người viện lý do bận, không thể sắp xếp công việc, … và tự “rơi vào bẫy” của những lý do đó.

Vì vậy, dù có bận bịu hay có vấn đề gì, khách hàng cũng không nên làm sổ tiết kiệm và gửi tiền tiết kiệm tại các địa điểm không phải ngân hàng để tránh những rủi ro rất dễ xảy ra.

3/ Mất tiền do ký sẵn chứng từ, giấy tờ quan trọng

Năm 2016, ông Lê Đình Trung, 36 tuổi (An Giang) hoang mang vì 5 cuốn sổ tiết kiệm của gia đình bỗng dưng “không cánh mà bay”. Sau đó, tiền từ 5 cuốn sổ tiết kiệm của ông đã được gửi vào tài khoản của chính bố mẹ đẻ ông này. Qua quá trình tố cáo và điều tra đã phát hiện nguyên nhân là do ông Trung đã ký vào 2 chứng từ trắng, không có nội dung gì tại ngân hàng Ngân hàng Việt Á tại Cần Thơ (theo tin vnexpress.net).

Vụ việc trên cho thấy sự chủ quan của các khách hàng khi đồng ý ký tên vào những giấy tờ không có nội dung rõ ràng, cụ thể. Điều này xuất phát từ tâm lý chủ quan, tin tưởng cán bộ ngân hàng, không quan tâm đến nội dung của giấy tờ mình sẽ phải ký tên.

Nhiều trường hợp, khách hàng ký sẵn những chứng từ, giấy tờ vì đỡ mất thời gian cho các giao dịch nộp, rút tiền mặt… và giao cho cán bộ ngân hàng cho “linh hoạt, nhanh chóng”. Đây là rủi ro tiềm ẩn từ chính các khách hàng khi tin tưởng thái quá cùng tâm lý “lười”.

4/ Mất tiền gửi online vì bảo mật thông tin cá nhân

Ngày nay, khi cuộc sống hiện đại, thời đại 4.0 nổ ra, việc gửi tiền tiết kiệm qua kênh trực tuyến (online) không còn là điều xa lạ. Ưu điểm của kênh online là nhanh gọn, không phải tới tận ngân hàng mà chỉ cần giao dịch qua trang web hoặc ứng dụng chính thống của ngân hàng. Do đẩy mạnh việc gửi tiền online, nhiều ngân hàng còn có lãi suất ưu đãi, cao hơn lãi suất gửi tại quầy khi gửi tiền online.

Tuy nhiên, tội phạm công nghệ cao cũng đang trên đà phát triển mạnh mẽ và nguy hiểm. Việc không bảo mật tốt thông tin cá nhân sẽ khiến các khách hàng dễ rơi vào tầm ngắm của hacker. Tiền gửi lúc này dễ dàng bốc hơi hơn bao giờ hết.

Các lỗi mà khách hàng thường xuyên gặp là click vào các trang không an toàn, trang rác có cài virus; nhấp vào link không rõ nguồn; tải về các ứng dụng, tài liệu có chứa mã độc… Việc công khai quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội cũng là một nguyên nhân của việc dễ mất thông tin cá nhân và mất tiền.

 

Thêm nữa, khi gửi tiền hoặc làm bất cứ giao dịch nào trong ngân hàng, ngân hàng luôn có những bước bảo mật giúp khách hàng bao gồm mật khẩu và mã OTP. Trong đó, mã OTP (One Time Password) hay còn gọi là mật khẩu sử dụng một lần là một mã vô cùng quan trọng, các ngân hàng mỗi khi gửi mã này đến cho khách hàng trong các giao dịch trực tuyến đều ghi rõ không được tiết lộ mã này cho bất kỳ ai.

Dù vậy, nhiều khách hàng không tìm hiểu rõ, chủ quan đã tiết lộ mã này cho kẻ xấu khiến cho tiền mất mà chính mình lại là nguyên nhân. Mã OTP giống như mật khẩu vào nhà vậy, khi bạn đã tiết lộ mật khẩu cho kẻ trộm thì chẳng khác nào mở cửa đón trộm vào khoắng sạch tài sản.

Có thể thấy, việc gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng là an toàn và tối ưu khi bạn muốn cất giữ tiền và sinh thêm lãi. Mặc dù có rủi ro nhưng các rủi ro này đều xuất phát từ vấn đề con người và chủ yếu là do sự chủ quan của khách hàng. Rủi ro này có thể được đẩy lùi khi chính các khách hàng nâng cao nhận thức, luôn có ý thức bảo vệ thông tin cá nhân, đề phòng tất cả tình huống có thể xảy ra.

Nhìn chung, để đảm bảo tốt nhất khoản tiết kiệm dự phòng cho tương lai khách hàng nên “bỏ trứng vào nhiều giỏ”, bằng cách kết hợp gửi tiết kiệm ngân hàng với các mục tiêu ngắn hạn và tham gia bảo hiểm nhân thọ kết hợp tiết kiệm với các mục tiêu dài hạn giúp bạn luôn luôn chủ động trong bất cứ trường hợp nào.

Theo thebank.vn