Tiềm năng của vay tiêu dùng
Từ khi xuất hiện tại Việt Nam, vay tiêu dùng ngày càng khẳng định được vai trò của mình và đem lại lợi ích to lớn cho xã hội. Đối với chính phủ, ngoài các công cụ quản lí dòng tiền như thuế, lãi suất, tỉ giá hối đoái,…thì hình thức vay mới này rất hữu dụng trong việc bơm tiền vào nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất trong xã hội. Xét khía cạnh ngân hàng, công ty tài chính, đây lại là phương thức mới đem lại lợi nhuận cao cho chủ thể cho vay. Còn đối với cá nhân hoặc doanh nghiệp thì đây là phao cứu sinh khẩn cấp đặc biệt hữu ích khi gặp những rắc rối về tài chính. Về mặt lí thuyết, những lí do đó khiến hình thức vay này ngày càng phát triển tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Thực tế, việc theo dõi các con số qua từng năm cũng chứng minh vay tiêu dùng ngày càng phát triển. Cuối năm 2013, dư nợ cho vay tín chấp tiêu dùng đạt 5,2% GDP và cuối năm 2014 thì con số này là 6% GDP. Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển thì con số này vào khoảng 20% GDP. Điều đó cho thấy loại sản phẩm vay trên đang phát triển tại Việt Nam và còn rất nhiều tiềm năng trong tương lai.
Sự cạnh tranh khốc liệt
Nhận thấy dư địa phát triển cho vay tiêu dùng là rất lớn, do đó ngày càng có nhiều tổ chức tài chính tham gia vào lĩnh vực này. Các công ty tài chính lớn hiện này có thể kể đến Prudential, FE Credit… Ngoài ra còn có sự tham gia của các ngân hàng thương mại. Hiện nay, bên cạnh việc các ngân hàng mở rộng thị trường nông thôn, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, họ cũng tìm cách sát nhập các công ty tài chính chuyên cho vay tín chấp tiêu dùng, sau đó bán lại cổ phẩn cho nước ngoài có trình độ quản lí cao hơn, nguồn vốn dồi dào hơn. Điển hình là SHB sáp nhập công ty tài chính Vinaconex Viettel (VVF), VPBank mua lại cổ phần công ty tài chính Than – Khoáng sản Việt Nam và đã được các cổ đông đồng ý bán 49% cổ phần cho công ty nước ngoài vào năm 2016. Trước tình hình như vậy, mặc dù vẫn còn dư địa để phát triển nhưng sự cạnh tranh đã vô cùng khốc liệt giữa các công ty tài chính, ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Điều này đòi hỏi các chủ thể cần liên tục cải tiến, đổi mới đa dạng sản phẩm dịch vụ của mình.
Cạnh tranh bằng giảm lãi suất
Để tồn tại trên thị trường, các công ty và ngân hàng liên tục cải tiến sản phẩm của mình bằng các chiến lược PR, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, tối giản hóa thủ tục, thời gian giải ngân ngắn, điều kiện vay ngày càng lỏng… Tuy nhiên, tâm lí khách hàng khi đi vay thường chỉ quan tâm tới hai điều là vay được bao nhiêu và lãi suất bao nhiêu. Do đó, chiến lược phát triển dựa trên lãi suất thấp được các chủ thể cho vay luôn được ưu tiên hàng đầu. Mặc dù sẽ phải chịu rủi ro cao khi cho vay tiêu dùng tín chấp nhưng các chủ thể cho vay sẽ ngày càng giảm mức lãi suất của mình để theo kịp sự phát triển của loại sản phẩm này nhằm tồn tại và phát triển trên thương trường.
Thực tế đã chứng minh lãi suất đang ngày càng thấp dần cho phù hợp với khách hàng, khi mới vào Việt Nam, lãi suất rất cao cỡ 40%. Hiện nay, lãi suất trung bình vào khoảng 20% đối với ngân hàng, cỡ 30% đối với các tổ chức tín dụng. Ngoài ra còn các chương trình ưu đãi lãi suất chỉ 5% – 7%/năm, các chương trình mua trả góp sản phẩm lãi suất 0%.
Như vậy có thể thấy cho vay tiêu dùng đang là một xu thế của xã hội. Trong tương lai, lãi suất cho vay sẽ ngày càng thấp giúp người dùng ngày càng dễ tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.