Bảo lãnh vay tiền – Đừng để phải cõng nợ ngân hàng vì thiếu hiểu biết

Điều 361 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình”.

Bảo lãnh vay tiền – Đừng để phải cõng nợ ngân hàng vì thiếu hiểu biết

Rủi ro cao khi đứng ra bảo lãnh

Anh Nguyễn Văn Tiến, sống tại Từ Liêm (Hà Nội), kể lại câu chuyện của mình một cách khó tin. Tháng 3/2016, khi chuyển đến công ty mới có trả lương qua tài khoản của Ngân hàng A, bỗng nhiên Tiến nhận được thông báo từ Ngân hàng về việc đang còn nợ tiền cả gốc lẫn lãi gần 80 triệu đồng. Vì vậy, từ nay lương tháng của anh sẽ bị ngân hàng A tự động trừ dần cho khoản nợ nêu trên. Tiến thực sự sốc vì không biết mình vay món nợ đó từ khi nào, liền vội đến ngân hàng tìm hiểu. Chỉ đến khi làm việc trực tiếp với Ngân hàng, Tiến mới vỡ lẽ ra việc mấy năm trước có ký bảo lãnh vay tiền giúp một người bạn. Lúc đó thấy bạn gặp khó khăn nên Tiến giúp, bạn cũng hứa sẽ trả nợ đầy đủ, không làm Tiến liên lụy nên Tiến cũng yên tâm. Sau đó một thời gian 2 người mất liên lạc không còn gặp nhau, Tiến cũng quên luôn việc đó cho đến khi được ngân hàng thông báo.

Nghĩa vụ mà người bảo lãnh phải thực hiện thường bao gồm tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt và cả tiền bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Do đó khi thực hiện cam kết bảo lãnh, người bảo lãnh sẽ gánh chịu nhiều rủi ro. Đó là chưa kể khi được bảo lãnh, người đi vay (người được bảo lãnh vay tiền) sẽ chủ quan, không sử dụng tiền vay đúng mục đích và nguy cơ người được bảo lạnh thanh toán chậm hoặc ôm nợ sẽ rất cao. Điều này sẽ được lưu vào báo cáo tín dụng của bạn trên hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như tại Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam(CIC) và nó sẽ làm ảnh hưởng xấu đến lịch sử tín dụng của bạn. Khiến các ngân hàng sẽ từ chối cho bạn vay tiếp, mặc dù bạn thực tế không hề vay và sử dụng số tiền đó.

Vậy có nên  bảo lãnh không và cần lưu ý điều gì khi bảo lãnh?

Trước quyết định đứng ra bảo lãnh vay tiền, bạn cần xem xét kỹ nhiều yếu tố như khả năng chi trả của người được bảo lãnh (thu nhập, giá trị tài sản do người đó đứng tên, mục đích sử dụng khoản vay đó,…)… Tuyệt đối nên vì nể cả mà bảo lãnh cho người thân bởi tính đến trường hợp xấu nhất có thể vừa mất tiền, vừa mất anh em.

Khi bạn thấy mình không thể gánh nổi việc phải trả nợ thay, bạn nên từ chối khéo léo như giới thiệu cho người thân một nơi vay tiền hoặc một cách vay tiền hợp lý, giúp đỡ họ nhiệt tình về những kiến thức vay vốn, những Ngân hàng có thể vay tốt mà bạn biết hoặc tham khảo được.

Còn nếu như bạn quyết định đặt bút ký hợp đồng bảo lãnh vay tiền thì trước hết, bạn và người vay nên có một bản thỏa thuận giữa hai bên và có công chứng. Bạn ghi rõ các nội dung liên quan khi bảo lãnh cho người vay: vay bao nhiêu, vay ở đâu, để làm gì, có tài sản thế chấp không, tài sản thế chấp của ai hoặc khi có tranh chấp thì giải quyết như thế nào… Đề phòng khi người được bạn bảo lãnh mất khả năng chi trả, bạn còn có chứng cứ để đòi quyền lợi hoặc khởi kiện ra tòa để yêu cầu tòa án giải quyết.