Nợ xấu vẫn rất xấu và cố giấu

Dù “tập trung” xử lý nợ xấu nhưng các số liệu mới nhất cho thấy bản chất của mối nguy cơ này vẫn chưa có nhiều thay đổi. Nợ xấu vẫn rất xấu và nhiều ngân hàng vẫn cố giấu nợ xấu khiến cho việc xử lý khó khăn.

Nợ vẫn tăng

Thống kê số liệu nợ xấu của các ngân hàng đã niêm yết trên sàn chứng khoán bao gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Công Thương Việt Nam(CTG), Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam (EIB), Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã hiện ra những số nợ ngàn tỷ đáng lo.

Trong đó, đến thời điểm 30/06/2013, CTG là ngân hàng có tổng nợ xấu lớn nhất với khoảng 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, SHB, với 5.288 tỷ đồng nợ xấu, lại là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất khi chiếm 9,04% tổng dư nợ của nhà băng này.

Trong số các ngân hàng đã niêm yết thì tỷ lệ nợ xấu của SHB đang dẫn đầu với 9%, tiếp đến là Navibank với 6,1%. Các ngân hàng còn lại đều có nợ xấu dưới 3% như ACB 2,99%; Sacombank 2,55%: Vietinbank 2,1%; Vietcombank 2,81%; Eximbank 1,49%, MB 2,44%.

6 tháng đầu năm 2013, nợ xấu của các ngân hàng là sự gia tăng liên tục của nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Tại thời điểm 30/06/2013, nợ nhóm 5 đã chiếm gần 50% tổng nợ xấu của các ngân hàng này

Trong khi đó, số liệu từ 3 ngân hàng lớn nhất đã công bố số liệu là BIDV, Vietcombank và Vietinbank thì đã chiếm tới hơn 23.100 tỷ đồng nợ xấu, gần bằng mức tổng lợi nhuận là 24.000 tỷ đồng của toàn hệ thống trong 6 tháng đầu năm nay. Trong đó, nợ xấu của BIDV gần 9.400 tỷ đồng, của Vietcombank 6.687 tỷ đồng và Vietinbank là 7.027 tỷ đồng.

Số nợ xấu của 3 ngân hàng này cũng cao hơn rất nhiều so với tổng nợ xấu của các ngân hàng top sau, bao gồm SHB, MB, ACB, Sacombank, Eximbank cộng lại.

Trong nửa đầu năm có một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm. Cụ thể, có 5 ngân hàng thương mại tỷ lệ nợ xấu tính đến 30/6/2013 đã giảm so với 31/12/2012. Gồm: BIDV giảm từ 2,77% xuống 2,57%; VPBank từ 2,72% còn 2,62%; TienPhong Bank từ 3,47% xuống 2,77%; OCB từ 2,8% xuống 2,5% và Southern Bank từ hơn 3% xuống còn 2,77%.

Ngoài 5 trường hợp giảm nói trên, còn lại là những mức độ tăng đáng kể. Điểm chung, tốc độ tăng trưởng nợ xấu đều cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Cụ thể tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 31/12/2012 và đến 30/6/2013: Vietcombank từ 2,26% lên 2,81%; VietinBank từ 1,46% lên 2,1%; Eximbank từ 1,32% lên 1,49%; Sacombank từ 1,89% lên 2,5%; MB từ 1,86% lên 2,45%; ACB từ 2,5% lên gần 3%; SHB từ 8,51%lên 9,04%; Navibank từ 5,6% lên 6,1%.

Nợ xấu còn bị dấu

Ước tính nhóm ngân hàng đã công bố số liệu này chiếm trên dưới 75% tổng dư nợ của hệ thống, nhưng nợ xấu lại đều dưới 3%. Vậy thì nợ xấu đã trốn đi đâu, khi các tỷ lệ cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước (qua tổng hợp báo cáo của các thành viên) gần đây đều có từ 4,5 – 4,7%, chưa kể con số qua giám sát từ xa của cơ quan tranh tra là cao hơn nhiều.

Ngân hàng Nhà nước lên kế hoạch xử nợ xấu

Ngày 23/8/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã ký Quyết định số 1085/QĐ-NHNN, ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng về xử lý nợ xấu.

Với kế hoạch trên, Ngân hàng Nhà nước đề ra các nội dung công việc cụ thể, giao nhiệm vụ chủ trì triển khai thực hiện từng công việc cho các đơn vị, vụ, cục, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, các khách hàng vay của tổ chức tín dụng và quy định rõ thời gian hoàn thành công việc.

Theo số liệu cập nhật gần nhất của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng tính đến tháng 5/2013 ở mức 4,65%.

Dù những số liệu công bố chưa thể phản ánh hết 100% nhưng các con số trên đây đã cho thấy bức trang cơ bản của nợ xấu. Dù tiếp tục ghi nhận những con số nợ xấu tăng lên nhưng mối nghi ngờ về thực tế nợ .

Theo các chuyên gia, số liệu nợ xấu của các nhà băng chưa được phản ánh chính xác. Ông này nhìn nhận tỉ lệ nợ xấu 4,65% tính đến cuối tháng 5/2013 theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước là con số khá đẹp và nếu đúng như vậy, sẽ không cần đến Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) nhằm phục vụ mục đích xử lý nợ xấu.

Trong khi đó, con số được Vụ Dự báo thống kê tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) khảo sát mới đây cho thấy, trong số 124 TCTD tham gia khảo sát, có khoảng 30 TCTD khai báo tỉ lệ nợ xấu ở mức trên 3%, chiếm khoảng 1/4 số lượng tổ chức tín dụng hiện nay. Chưa hết, có trên 50% TCTD dự kiến tỉ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2013 sẽ không đổi hoặc tăng so với cuối năm 2012.

Trao đổi mới, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Trần Thị Hồng Hạnh cho rằng, ngân hàng không nên che giấu nợ xấu mà phải tự thân xác định đúng số nợ thực sự. Hiện tại ai cũng biết nợ xấu ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của ngân hàng.

Do đó, nếu nhìn nhận đúng về nợ xấu, các ngân hàng sẽ biết được điểm đứng, điểm xuất phát thực tế để tìm ra thuận lợi, khó khăn từ đó đưa ra giải pháp phù hợp. Trên cơ sở đó thực hiện giải pháp cơ cấu nợ một cách hiệu quả nhất.

“Việc cần làm bây giờ của các ngân hàng là phải nghiêm túc xem xét lại việc cơ cấu lại nợ cho các khách hàng của mình trên cơ sở tình hình tài chính cụ thể của họ và xác định lại khả năng trả nợ để cơ cấu lại nợ. Qua đó vừa phản ánh đúng thực trạng nợ xấu của mình, đồng thời tạo điều kiện để những khách hàng trả được nợ và vay vốn mới, tránh phát sinh nợ xấu”.